Hỗ trợ truy cập
Số lượt truy cập:  2,905,695
Số người online:  16

Công dụng của cây sả

10-04-2012
Sả là loại cây thảo dược sống dai, cao khoảng 1m, mọc thành bụi (tên khoa học là Cymbopogon Citratus (L.) Pers.), thuộc họ lúa (Poaceae). Củ sả là một gia vị được dùng trong chế biến nhiều món ăn, khử được mùi tanh của cá, thịt, giúp thức ăn thêm thơm ngon.

Theo Đông Y, dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm...

Từ xa xưa, ông cha ta đã biết nấu nước lá sả để gội đầu cho trơn tóc, sạch gầu và có thể tránh được một số bệnh về tóc... Nhân dân miền sơn cước thường lấy nõn sả muối dưa ăn để phòng ngừa sơn lam chướng khí, sốt rét ngã nước. Nhân dân trồng cây sả quanh nhà ngoài vườn, xung quanh nhà vệ sinh để xua đuổi ruồi, muỗi, dĩn, bọ chét vừa làm sạch môi trường, vừa có tác dụng phòng bệnh. Ngoài ra, tinh dầu sả còn khử mùi hôi trong công tác vệ sinh.

Tác dụng chính của sả là ở tinh dầu. Trong lá sả có tinh dầu, thành phần chủ yếu là geraniola và citronelola. Vì vậy, khi ta vò lá sả thấy có một mùi thơm đặc biệt phảng phất mùi thơm của chanh.

Tinh dầu sả bôi lên da hoặc phun trong nhà có thể xua đuổi được ruồi, muỗi và các loài côn trùng khác như dĩn, bọ chét... do đó thường được dùng làm thuốc trừ muỗi và khử mùi hôi.

Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng khi hành kinh, lấy vài giọt tinh dầu sả trộn với một ít bột tiêu đen thành một hỗn hợp lỏng rồi uống, cũng có thể ép sả tươi lấy dịch hoặc sắc lấy nước rồi uống cũng sẽ thấy bớt đau bụng khi hành kinh và điều hòa kinh nguyệt.

Đồng thời, sả có tác dụng hạ sốt, chống trầm cảm, giúp tiêu hóa tốt, nhất là uống một ly nước có pha vài giọt tinh dầu sả ngay sau các bữa ăn. Người ta còn sử dụng hương thơm của sả trong các phương pháp trị liệu khác như xông hơi, tắm hơi để thư giãn cơ thể và tạo cảm giác sảng khoái sau một ngày làm việc. Qua đó cũng gián tiếp giúp cho kinh nguyệt được điều hòa.

Chữa đau khớp và các trường hợp đau khác như đau lưng, đau nhức dây thần kinh, đau đầu, lấy tinh dầu sả trộn với gấp đôi lượng dầu dừa rồi bôi vào các chỗ đau hoặc sưng sẽ thấy rất hiệu quả. Trong trường hợp đau cấp tính thì có thể uống thêm nước sắc của sả tươi.

Ngoài ra, củ sả và tinh dầu sả còn dùng để chữa một số bệnh thông thường như giã nát củ sả bôi lên các vết chàm để chữa chàm ở mặt trẻ em. Lấy 3 - 6 giọt tinh dầu sả pha với xi-rô và nước, cho bệnh nhân uống để chữa đau bụng, đầy bụng, chống nôn và thông trung tiện.

Viết bình luận
Tên của bạn (*):
Mail của bạn (*):
Telex   VNI   Off