Cây gỗ nhỏ, thường xanh, cao 6-8(-15)m, đường kính thân 15-30cm. Thân mọc thẳng, tròn, vỏ ngoài màu nâu xám. Cành non hơi mập, nhẵn, màu lục nhạt, sau chuyển thành màu nâu xám. Lá mọc cách và thường tập trung ở đầu cành, trông tựa như mọc vòng; mỗi vòng thường có 3-5 lá. Phiến lá nguyên, dày, cứng, giòn; hình trứng thuôn hay trái xoan thuôn; kích thước 6-12x2,5-5cm; đầu lá nhọn hoặc tù, gốc lá hình nêm; mặt trên màu lục sẫm, nhẵn, mặt dưới xanh nhạt; gân dạng lông chim, gồm 9-12 đôi, không nổi rõ. Cuống lá dài 7-10cm.
Hồi đã được sử dụng làm gia vị và làm thuốc từ hàng ngàn năm trước đây ở nước ta cũng như ở Trung Quốc. Quả và tinh dầu hồi là loại gia vị thơm, hấp dẫn trong chế biến thực phẩm.
Tinh dầu hồi được sử dụng nhiều trong công nghệ chế biến rượu khai vị, rượu mùi, nước ngọt và bánh kẹo. Hương vị hấp dẫn của hồi vừa có tác dụng kích thích tiêu hoá, vừa gây cảm hứng ngon miệng. Trong y học dân tộc ở nước ta cũng như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, hồi được dùng làm thuốc gây trung tiện, kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, giảm đau, giảm co bóp trong dạ dày, trong ruột, lợi sữa, chữa trị nôn mửa, đau, thấp khớp, đau lưng, ngộ độc thịt cá và chữa trị khi bị rắn độc cắn…
Tây y coi tinh dầu hồi có tính kích thích, tăng cường nhu động ruột, dùng chữa đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp, giúp tiêu hoá, giảm đau, khử đờm.
Tinh dầu hồi có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của vi khuẩn lao và nhiều loại vi khuẩn khác, nên được dùng làm thuốc sát khuẩn, trị nấm ngoài da và ghẻ lở. Hồi còn được dùng trong việc sản xuất, chế biến thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, diệt chấy, rận, rệp, và một số ngoại ký sinh trùng ở gia súc.
Tinh dầu Hồi có mùi đặc trưng. Nó được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày trong nươc dùng phở, dùng ướp thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm...tinh dầu hồi có tác dụng kháng khuẩn, ở nồng độ thấp ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao...